Không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn

Các vùng văn hóa

Không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn đã tạo nên những tiểu vùng văn hóa đặc trưng và cơ bản trên mảnh đất Ninh Bình qua tín ngưỡng thờ cúng các vị thần.

Tiểu vùng văn hóa chiêm trũng Gia Viễn gắn với việc thờ phụng thần Khổng Lồ Nguyễn Minh Không và hệ thống các di tích thờ Vua Đinh Tiên Hoàng tạo nên niềm tự hào của người dân với nét văn hóa đặc trưng của miền quê "sinh Vương, sinh Thánh".

Tiểu vùng văn hóa ven sông Đáy từ Gián Khẩu tới Khánh Cư vốn là đồng bằng xen vài ngọn núi thấp với những di tích đặc trưng thờ thần Thiên Tôn như chùa Phong Phú, đền Hàng Tổng, động Thiên Tôn, núi Cánh Diều, đền Thánh Cả.

Tiểu vùng văn hóa Tràng An phía nam cố đô Hoa Lư và phía tây thành phố Ninh Bình thờ vị thần Quý Minh đôi khi gắn liền với tín ngưỡng thờ các vị tướng thời Đinh Lê.

Tiểu vùng văn hóa miền núi cao Nho Quan, Tam Điệp thờ thần Cao Sơn và nhiều di tích gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu như đền Dâu, đền Quán Cháo, phủ Đồi Ngang, đền Cô Đôi Thượng Ngàn.

Trung tâm văn hóa cố đô Hoa Lư là trung tâm trấn trạch bảo vệ của các vị thần. 4 vị thần đều được thờ ở 4 hướng cửa ngõ vào trung tâm cố đô Hoa Lư. Đây là vùng văn hóa tiêu biểu nhất của Ninh Bình.

Tới vùng Yên Khánh, Yên Mô tín ngưỡng thờ các vị thần trên thưa nhạt dần và không còn xuất hiện ở vùng đất mở Kim Sơn để nhường vị trí cho tín ngưỡng thờ Triệu Việt Vương gắn với việc hiển linh giúp đỡ người dân khai hoang lấn biển.

Cố đô Hoa Lư

Trong phạm vi các ngôi đền chính của Hoa Lư tứ trấn được xác định là động Thiên Tôn (ở thị trấn Thiên Tôn, Hoa Lư); đền Cao Sơn (ở xã Gia Sinh, Gia Viễn), đền Thánh Nguyễn (ở Gia Thắng, Gia Viễn) và đền Quý Minh (ở Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình) chính là vùng trung tâm cố đô Hoa Lư của không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn. Khu vực này chỉ chiếm 5,6% diện tích Ninh Bình nhưng lại có vai trò rất quan trọng làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Trong bán kính 5 km của không gian Hoa Lư tứ trấn tính từ tâm quay tại quảng trường lễ hội đền Đinh – Lê các nhà nghiên cứu đã thống kê được 750 di tích. Hệ thống chùa cổ ở Hoa Lư vẫn tồn tại hầu như nguyên vẹn về số lượng cho tới ngày nay. Sau khi đã là kinh đô, Hoa Lư dần trở thành trung tâm Phật giáo. Vào thế kỷ 10, tại đây đã có khá nhiều chùa tháp như chùa Bà Ngô, chùa Cổ Am, chùa Duyên Ninh, chùa Am Tiên, chùa Tháp, chùa Bàn Long, chùa động Thiên Tôn, chùa Hoa Sơn (nhà Đinh); chùa Kim Ngân, chùa Nhất Trụ (nhà Tiền Lê). Theo chính sử, Vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đặt chức tăng thống phật giáo trong lịch sử. Điều độc đáo ở đây là có khá nhiều chùa được xây dựng trong các hang núi đá vôi, dựa vào núi đá hoặc tận dụng hẳn núi đá làm chùa mà tiêu biểu là các động chùa: Hoa Sơn, Thiên Tôn, Am Tiên, Cổ Am, Bái Đính, Liên Hoa…

Các di tích thắng cảnh ở Hoa Lư chính là điểm nhấn bổ sung về mặt hình thức cho cố đô Hoa Lư thêm phần hấp dẫn và hoa lệ. Khu vực Tràng An được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi hình cánh cung giữa vùng chiêm trũng ngập nước đã trải qua thời gian dài biến đổi địa chất tạo thành. Các nhà địa chất khẳng định khu Tràng An xưa là một vùng biển cổ, qua quá trình vận động địa chất mà kiến tạo nên. Tràng An có hệ thống núi đá vôi và hang động tự nhiên hết sức đa dạng, có tuổi từ 32 triệu năm đến 6.000 năm. Dưới chân các núi đá vôi, nhiều nơi còn có các hàm ếch, là dấu tích của biển. Chính vì vậy vùng núi đá vôi Hoa LưNinh Bình được gọi là "Hạ Long trên cạn".

Là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam, Hoa Lư còn là đất tổ sản sinh nhiều giá trị văn hóa thuần Việt. Kinh đô này là đất tổ của nghệ thuật sân khấu chèo mà người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh. Đây là loại hình sân khâu tiêu biểu nhất của Việt Nam. Các truyền thuyết lịch sử hát Tuồng cũng ghi rằng loại hình ngày hình thành vào thời Tiền Lê năm 1005, khi một kép hát người Tàu tên là Liêm Thu Tâm đến Hoa Lư và trình bày lối hát xướng thịnh hành bên nhà Tống và được vua Lê Long Đĩnh thâu dụng, bổ là phường trưởng để dạy cung nữ ca hát trong cung. Nơi đây cũng là quê hương của nhiều vị thủy tổ, tổ nghề Việt Nam như Ninh Hữu Hưng là ông tổ nghề xây dựng Việt Nam.

Trong không gian Hoa Lư tứ trấn còn có nhiều lễ hội đặc sắc như lễ hội động Thiên Tôn, lễ hội cố đô Hoa Lư, lễ hội đền Trần, lễ hội chùa Bái Đính... và những làng cổ như làng cổ Yên Thành, làng cổ Yên Thượng, Chi Phong... với những nghề truyền thống đủ điều kiện phát triển du lịch văn hóa. Nhiều loại ẩm thực đặc sắc được Ninh Bình có kế hoạch bảo tồn phát huy như Khoai lang Hoàng Long, Cá rô Tổng Trường, Dê núi, cơm cháy Ninh Bình

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoa Lư tứ trấn http://daitangkinhvietnam.org/van-hoc-va-nghe-thua... http://thanglong.chinhphu.vn/Home/Ngoi-den-tho-em-... http://dantri.com.vn/c25/s20-393692/500-thuyen-ruo... http://www.laodong.com.vn/Home/Dinh-Kim-Lien/20075... http://www.ninhbinhtourism.com.vn/modules.php?name... http://www.thanglonghanoi.gov.vn/channel/21/2010/0... http://baoninhbinh.org.vn/di-san-tin-nguongtam-lin... http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.... http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=680 http://www.hannom.org.vn/detail_search.asp?param=4...